Ở lứa tuổi mầm non, trẻ “Học mà chơi, chơi mà học”, trẻ hiểu và tiếp thu mọi điều về thế giới xung quanh thông qua việc tìm hiểu, khám phá các sự vật, hiện tượng, trẻ cần rất nhiều cơ hội để học hỏi, khám phá và trải nghiệm thông qua việc cho trẻ tự sáng tạo, tự làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho các hoạt động học hàng ngày của trẻ. Khi trẻ được làm đồ dùng, đồ chơi sẽ có tác dụng kích thích mọi giác quan, tư duy, sự sáng tạo của trẻ, đáp ứng mọi nhu cầu về sự tò mò khám phá, ham hiểu biết của trẻ tạo điều kiện cho trẻ phát triển tính sáng tạo, nhanh nhẹn và khả năng hoạt động nhóm hiệu quả, các vận động tinh của trẻ cũng phát triển rất tốt.
Ngoài ra khi làm đồ dùng, đồ chơi thì quá trình tâm lý của trẻ cũng được phát triển, việc trẻ tự tay biết làm ra những sản phẩm, đồ dùng, đồ chơi sẽ giúp trẻ biết trân trọng, giữ gìn, yêu quý, trẻ dễ dàng gắn bó với chúng từ đó tạo tiền đề phát triển về mặt tình cảm, đạo đức cho trẻ.
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, thường có rất nhiều sản phẩm bị bỏ đi sau khi sử dụng như: Vỏ chai dầu gội, sữa tắm, vỏ hộp sữa, lon bia, đốc lịch, đĩa CD cũ, ống chỉ, chai nước suối… Đó là nguồn vật liệu rất phong phú và đa dạng, có thể tận dụng làm những việc hữu ích. Từ đó giáo viên đã tuyên truyền, vận động học sinh cùng phụ huynh làm đồ chơi phục vụ cho các hoạt động học và trang trí môi trường trong và ngoài lớp học. Qua đó hình thành ý thức tuyên truyền với mọi người xung quanh, từ trẻ đến phụ huynh học sinh về việc bảo vệ môi trường. Và như vậy, chúng ta đã giảm được lượng rác thải, giảm chi phí cho việc xử lý rác thải trong vệ sinh môi trường.