Vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ tương tự như vi rút gây bệnh đậu mùa ở người trước đây, thuộc chi Orthopoxvirus. Đây là loại vi rút lưu hành phổ biến ở các động vật có vú nhỏ tại châu Phi như chuột, khỉ. Mầm bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện lần đầu vào những năm 1950, lây nhiễm sang người vào năm 1970. Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật sang người qua tiếp xúc dịch cơ thể, bao gồm các giọt nước bọt hoặc giọt bắn đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ vết thương trên da. Sự lây truyền bệnh đậu mùa khỉ từ người sang người xảy ra không hiệu quả và được cho là xảy ra hầu hết qua các giọt bắn đường hô hấp lớn khi tiếp xúc trong thời gian dài. Bệnh đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày (thường từ 6 đến 13 ngày). Triệu chứng bệnh tương tự như đậu mùa, bao gồm: sốt, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết… Sau khi có biểu hiện sốt, người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban từ 1 đến 3 ngày (95% bệnh nhân mắc bệnh có phát ban trên mặt và 75% bệnh nhân có phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân). Thông thường, các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ sẽ kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi, người bệnh không cần thực hiện các biện pháp điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ có thể diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ ca bệnh đậu mùa khỉ phát hiện tại Anh ngày 13/05/2022, tính đến ngày 21/05/2022, trên thế giới đã ghi nhận 92 trường hợp mắc bệnh, 28 trường hợp nghi ngờ tại các quốc gia: Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Úc, Mỹ, … Các trường hợp này đã được báo cáo cho WHO nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong. WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới. Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh học sinh và cộng đồng về tình hình bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng chống tạm thời:
+ Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường. + Che miệng khi ho, hắt hơi.
+ Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
+ Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.