BÀI TUYÊN TRUYỀN
Về tác hại của việc xử lý rác thải không hợp vệ sinh
và biện pháp thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đúng cách.
I- TÁC HẠI CỦA VIỆC XỬ LÝ RÁC KHÔNG HỢP VỆ SINH.
Đối với các loại rác thải phát sinh trong đời sống hàng ngày, người dân ở các vùng nông thôn thường có thói quen loại bỏ bằng cách đốt hoặc đổ rác bừa bãi ngoài lề đường, ao, hồ, bờ đồng, bờ ruộng, bờ sông; thu gom còn bỏ lẫn lộn chưa biết cách phân loại rác thải. Đây thực sự là một áp lực đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường và cũng là mối đe dọa lớn đối với sức khoẻ cộng đồng.
Tuy nhiên, việc thải bỏ và xử lý rác không đúng cách, không hợp vệ sinh sẽ gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan công cộng và tác hại xấu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, sinh vật và chất lượng môi trường và gây khó khăn cho việc thu gom rác thải tập trung.
1. Tác hại của việc đốt rác thải không có sự phân loại
- Thói quen của người dân nông thôn là đổ đống và đốt rác thải ngay tại gia đình, đốt tất cả rác thải kể cả các loại chất dẻo như: chai nhựa, cao su, túi nilon. Khi đốt thủ công (nhiệt độ thấp), các vật liệu này cháy không triệt để sẽ sinh ra các khí độc như: Ô xít các bon, Hy đờ rô các bon dễ bay hơi kể cả ben gen, đi ô xin, phu rin là những chất rất độc hại.
- Đốt rác theo phương pháp thủ công không có sự phân loại trong khu dân cư, các chất độc hại phát sinh sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, gây khó thở, viêm đường hô hấp,...
Chính vì vậy việc thu gom xử lý rác thải tập trung là rất cần thiết.
2. Tác hại của việc đổ rác thải bừa bãi
- Thói quen đổ rác thải bừa bãi ven đường làng, bờ sông, ao hồ, đồng ruộng....đang rất phổ biến ở các vùng nông thôn, việc này không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây ra nhiều tác hại cho môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người,...chẳng hạn như:
+ Khí thải sinh ra từ các đống rác sẽ làm ô nhiễm môi trường không khí, gây mùi hôi, ảnh hưởng sức khỏe con người.
+ Nước rỉ rác sinh ra sẽ chảy xuống ao hồ, làm ô nhiễm nguồn nước. Hơn nữa, các chất độc hại trong nước tích lũy trong thực phẩm như: rau, tôm, cá... sẽ rất nguy hiểm nếu ta ăn phải các chất loại thực phẩm này.
+ Tạo nơi trú ngụ và phát triển lý tưởng của các loài gây bệnh hại cho người và gia súc.
Chính vì vậy người dân cần có ý thức xóa bỏ thói quen đổ rác thải bừa bãi ra môi trường.
II- PHÂN LOẠI, THU GOM VÀ XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT
1. Phân loại rác tại nguồn
3.1. Phương pháp phân loại rác tại nguồn như sau:
Rác thải sinh hoạt trước khi được đưa đi xử lý, rác chưa bị phân hủy (hay còn gọi là rác sạch) cần được phân loại ngay tại hộ gia đình. Cách nhận biết như sau:
- Rác hữu cơ là các loại rác thực phẩm từ nhà bếp như rau, củ, quả, thức ăn thừa, bã chè, cà phê... Rác hữu cơ sau khi được phân loại sẽ được xử lý, chế biến thành thức ăn nuôi giun đất hay các sản phẩm như phân hữu cơ tốt cho cây trồng và an toàn cho người sử dụng.
- Rác vô cơ có thể tái chế như giấy báo, kim loại, vỏ hộp, nhựa, túi ni lông... sẽ được vận chuyển đến nơi tái chế thành các sản phẩm mới. Loại rác này từ lâu đã được người dân phân loại bán cho người thu mua phế liệu.
- Rác vô cơ không thể tái chế là các loại rác rất khó phân hủy như sành sứ, gạch vỡ, thủy tinh vỡ, xỉ than... Rác vô cơ là loại rác không thể sử dụng được nữa, mà chỉ có thể mang đi xử lý tại khu tập trung.
3.2. Vì sao phải phân loại rác tại nguồn?
Phân loại rác tại nguồn mang lại hữu ích như sau:
- Phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân hữu cơ tự chế biến;
- Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu ô nhiễm;
- Phân loại rác tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường;
- Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.
Rác sau phân loại mới có thể áp dụng các cách xử lý phù hợp với từng loại rác, như vậy rác sẽ được xử lý một cách tối ưu nhất, sẽ không còn những tác hại tới đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân chúng ta, sẽ không còn mùi hôi thối gây khó chịu, không còn dịch bệnh phát sinh từ chất thải, không còn ô nhiễm nước sinh hoạt...
2. Phương pháp thu gom rác
- Thu gom rác hữu cơ dễ phân hủy: Thu gom riêng vào vật dụng chứa rác để tận dụng làm phân hữu cơ (tại gia đình hoặc đưa đến nhà máy xử lý chế biến tập trung thành phân hữu cơ).
- Thu gom rác khó phân hủy:
+ Thu gom rác tái chế: Rác tái chế được tách riêng và đựng trong túi nilon hoặc túi vải để bán lại cho cơ sở tái chế.
+ Thu gom rác không tái chế: Các thành phần rác không có khả năng tái chế sẽ được thu gom, đựng trong dụng cụ chứa rác tại gia đình và đưa đến điểm tập kết để xe chuyển đi xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung theo quy định.
Dụng cụ chứa rác là các thùng rác chuyên dùng hoặc tận dụng các vật dụng có sẵn ở gia đình như thúng, sọt, bao tải, túi ni lông,....
Các dụng cụ chứa rác nên để cố định, đặc trưng, nên tuyên truyền nhắc nhở các thành viên trong gia đình cùng thực hiện, từ đó hình thành thói quen phân loại rác cho bản thân và cả gia đình.