Như chúng ta đã biết Bệnh “ Tay – chân – miệng”là một đại dịch đã và đang được nói đến như một hồi chuông cảnh báo ngân dài trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, áp phích….
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột gây ra, bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi, dịch họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, hoặc qua đường phân- miệng, qua thức ăn, nước uống bị nhiễm vius.
Người lớn cũng có thể mắc bệnh do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm virus, hoặc trong quá trình chăm sóc người bệnh.
Bệnh dễ lay lan thành dịch do virus đường ruột gây nên, và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm, xử trí kịp thời.
*Biểu hiện của bệnh:
Bệnh có biểu hiện sốt, sưng miệng, nổi ban có bọng nước. Bệnh thường bắt đầu sốt nhẹ, kém ăn, mệt mỏi, sưng họng 1- 2 ngày sau có những chấm đỏ có bọng nước rồi vỡ thành vết loét. Các vết này thường nằm ở lưỡi, lợi và bên trong má. Các tổn thương trên da cũng xuất hiện sau 1-2 ngày, biểu hiện là các vết đỏ, có thể có bọng nước không ngứa và thường nằm ở lòng bàn tay, gan bàn chân. Bệnh có khả năng lây cao nhất trong tuần đầu của bệnh
Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vác xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ và chủ yếu phòng bệnh qua công tác vệ sinh. Mọi người cùng tham gia thực hiện, trong đó các bà mẹ, cô giáo và người chăm sóc trẻ cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sau đây:
* Biện pháp phòng chống
Để chủ động phòng bệnh cho trẻ, Giáo viên và phụ huynh cần thực hiện các biện pháp sau:
– Người chăm sóc trẻ và trẻ rửa tay nhiều lần bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi tắm rửa, vệ sinh.
– Giáo viên, phụ huynh rửa tay cho trẻ hoặc hướng dẫn cho trẻ rửa tay với xà phòng đúng lúc, đúng cách rửa nhiều lần trong ngày; Mỗi em dùng mỗi khăn riêng;
– Cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung thìa, bát.
– Ăn ngay sau khi nấu xong, che đậy không cho ruồi, gián, chuột chạm vào thức ăn.
– Người bệnh nên đeo khẩu trang hoặc che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
– Các gia đình, trường học, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở chăm sóc trẻ thường xuyên lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường ít nhất 1 lần trong ngày và giữ vệ các khu vực xung quanh.
– Tránh tiếp xúc gần (ôm hôn, sử dụng chung đồ dùng trong nhà) với người đã bị mắc bệnh.
– Thu gom xử lý phân của trẻ bằng cloramin B , vôi bột hoặc tro bếp… Tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ. Hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho người bệnh ăn lỏng và mềm.
– Người chăm sóc trẻ theo dõi sát sức khỏe của trẻ để phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh. Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc miệng, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, điều trị kịp thời
- Cha mẹ, thầy cô giáo cần khám miệng, bàn tay, bàn chân trẻ mỗi sáng, nếu thấy có những chấm đỏ, bóng nước nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay và thực hiện đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc./.