Phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là một quá trình chất thải sinh hoạt được phân loại thành nhiều phần khác nhau. Phân loại có thể diễn ra theo phương thức thủ công tại nhà hoặc được thu gom bởi dịch vụ hoặc phân loại một cách tự động bằng máy. Với sự phát triển nhanh của xã hội, chất thải được sinh ra nhiều hơn. Điều này có nghĩa là một lượng lớn rác thải được tạo ra mỗi năm và sự tăng lên của nó là không được mong đợi. Nhiều chất thải hơn có nghĩa là nhiều hơn sự tiêu thụ và lãng phí nguồn tài nguyên. Phân loại và tái chế là điều cần thiết để giảm nguồn chất thải. Hầu hết các loại chất thải được tạo ra có thể được phân loại ngay tại nhà. Càng ít chất thải chúng ta ném đi thì chúng ta càng ít phải trả phí vận chuyển rác thải. Phân loại rác thải tại nhà là rẻ hơn cho người tiêu dùng. Hầu hết các chất thải được tạo ra tại các hộ gia đình bao gồm bao bì, thức ăn thừa và giấy. Chính vì vậy, mỗi người dân chúng ta nên phân loại giấy, bao bì, thức ăn thừa và chất thải nguy hại từ rác thải sinh hoạt trong gia đình, thu gom tái chế để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Phân loại rác tại nguồn là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn bởi rác thải nếu chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí như: tốn diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...
Ngoài ra, các nguồn nguyên liệu có thể tái chế như: giấy, nhựa, kim loại, pin… cũng bị vùi chôn trong đất mà theo tính toán phải mất hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy. Trong khi đó, việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Chúng làm giảm sự phụ thuộc của con người vào việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Đặc biệt, với lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 - 70%), đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, để việc tái chế đạt hiệu quả cao, hạn chế tốn kém chi phí, thời gian thì công tác phân loại phải được thực hiện tốt ngay từ giai đoạn đầu, tại nguồn phát sinh chất thải. Dựa vào thành phần, tính chất, rác thải sẽ được phân chia thành nhiều loại khác nhau và đựng trong các bao, thùng rác khác nhau.
Rác thải hiện nay chưa được các gia đình quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không xài được thì vứt đi. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác. Thông thường việc vứt/xả rác được nhiều người dân thực hiện một cách tùy tiện, chưa nói đến việc phải phân loại rác như thế nào mà chỉ cần nhắc đến hành động xả rác bừa bãi của một bộ phận người dân từ thành thị đến nông thôn cũng đủ khiến những người làm công tác bảo vệ môi trường. Việc phân loại rác thải là cần thiết trong mọi hoạt động sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của con người. Nó làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm và hạn chế tối đa các chất thải tồn đọng từ việc sinh hoạt và sản xuất của con người. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng trở thành một vấn đề vô cùng nghiêm trọng không chỉ bởi người dân và một số cơ sở thường xuyên xả các loại nước thải, nước hút bể phốt ra môi trường mà còn là do rác thải gây ô nhiễm và tắc nguồn nước gây ra.
Ý thức của con người là yếu tố quyết định đến việc vứt/ xả rác đúng nơi quy định cũng như phân loại rác thải tài nguyên. Thói quen của nhiều người dân là tất cả các loại rác - bao gồm thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung một túi/ thùng rác mà không cần biết trong số rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng có những loại rác có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người.
Vì vậy, công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết, nó sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được. Tại các đô thị lớn, ở các không gian công cộng như: công viên, vườn hoa, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, bảo tàng…. luôn có sự xuất hiện của những chiếc thùng rác nhựa cố định hai ngăn với một ngăn chứa rác vô cơ - một ngăn chứa rác hữu cơ và phần hướng dẫn phân loại rác được minh họa bằng hình ảnh sinh động bên ngoài thùng.
Mỗi người hãy tự thực hiện dọn dẹp, thu gom rác, phân loại rác và vệ sinh toàn bộ những thứ do mình thải ra. Hãy có ý thức chấp hành tốt, không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định… Nhiều người có ý thức đẹp sẽ tạo thành một nét văn hóa đẹp chung cho cộng đồng. Chung tay cùng nhau, chúng ta tạo nên một môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.